Giao thương doanh nghiệp
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Chia sẻ
  • Cây bả dột có tác dụng phòng trừ côn trùng

Cây bả dột có tác dụng phòng trừ côn trùng

Vùng Thanh Chương – Nghệ An quê tôi, nhân dân thường dùng lá bả dột ăn với thịt dê, thịt bê thui chín, chấm nước tương gừng, hoặc làm lộc thơm kèm với chuối tiêu thái lát, măng tre, giá đậu chấm chẻo nước tương vừng mè, lạc rang giã nhỏ, ăn rất khoái khẩu. Cây bả dột dễ trồng với bất cứ nơi đâu, với mọi loại đất.

Cây bả dột hình dạng thân thảo, có đốt, vỏ cây màu tím, lá màu xanh, mọc đối, cuống gân lá màu tím nổi rõ; có mùi thơm như lá trám, vị hơi đắng, cay nhẹ. Một số người không hợp khi tiếp xúc nhiều thường gây nôn mửa, đau đầu. Cây bả dột có tên khoa học là: Eupatorium Triplinerve Vahl, thuộc họ Cúc. Trong đông y bả dột có tác dụng ra mồ hôi, giải cảm sốt (20 -30gr sắc uống). Qua thực tế tôi thấy: Cây bả dột có tác dụng ức chế, ngăn ngừa hoàn toàn sự sinh sôi phát triển của côn trùng gây hại lương thực, vật nuôi.

Cách phòng bọ mọt hại lương thực

Sau thu hoạch lúa, ngô, đậu, lạc bà con ta thường cất giữ lương thực để ăn và phục vụ chăn nuôi quanh năm. Trước đây, bà con quê tôi cất giữ lương thực thường bị mọt gây hại lúa mất 5 – 15%, hại ngô mất 10 – 20% (100% hạt ngô mất phần mầm). Mấy năm qua áp dụng phương pháp cất giữ lương thực bằng cây bả dột do tôi phổ biến, nhân dân huyện Thanh Chương đã giảm thiệt hại hàng chục tấn lương thực mỗi năm.

Cách thức làm như sau: Lương thực thu hoạch về làm sạch, phơi thật khô, chiều tối vun đống lại, đồng thời băm cây bả dột tươi lẫn vào đống, để nguội cho vào sập, chum, thùng, bao tải có lót nilông bên trong… đậy kín lại cất giữ. Tỷ lệ là 0,3 – 0,5kg bả dột/1 tấn lương thực. Khi chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm không cần phải lọc bỏ cây lá bả dột ra. Đây cũng là biện pháp cất giữ thức ăn sạch trong chăn nuôi. Một số bà con dùng lưu huỳnh, long não trong cất giữ lương thực vừa gây độc, gây mùi khó ăn cho vật nuôi là không tốt. Cất giữ lương thực bằng lá bả dột nếu bảo quản giữ ẩm tốt, sau 2 – 3 năm… ngô lúa vẫn bình an vô sự.

Cách phòng trừ bọ mạt hại gia cầm

Khi lót ổ đẻ trứng cho gà, vịt, ngan, ngỗng, chỉ cần một nắm cây bả dột trong tay cho lẫn vào ổ đẻ. Ổ đẻ đó mãi sau 1 – 2 năm sau cũng không thấy xuất hiện bọ mạt. Trên sàn chuồng trâu bò, gà thường làm ổ đẻ trứng dễ sinh bọ mạt. Bà con chú ý khi cất rơm rạ cho trâu bò, băm nhỏ lá bả dột thi thoảng ném 1 nắm lá bả dột tươi lẫn vào rơm rạ sẽ phòng được bọ mạt và ngăn ngừa một số ve, chấy, rận đến gây hại trâu, bò, vật nuôi. Trên nền chuồng nuôi gà công nghiệp xuất hiện nhiều loại côn trùng ăn theo gây hại ở trong trấu, dăm bào. Nếu mỗi lần thay trấu mới bà con ném lẫn vào một ít nắm cây bả dột thì rất an toàn cho vật nuôi.

Ngoài ra trong ổ nằm của chó, mèo lót một nắm cây bả dột sẽ ngừa được bọ vét, chấy, rận cho chúng. Trong góc nhà ở thường xuất hiện một số côn trùng gây bẩn. Bà con dùng một nắm cây bả dột gói gọn đẹp làm thay vật trang trí, vừa có mùi thơm dễ chịu toả ra, vừa có tác dụng xua đuổi côn trùng có hại.

Trên đây là kinh nghiệm đã thành hiện thực và rất có ích cho việc cất giữ lương thực và phòng ngừa côn trùng gây hại vật nuôi mà nhân dân huyện Thanh Chương chúng tôi đã áp dụng thành công. Tôi mong bà con tìm hiểu để áp dụng.